Vài tháng nay, Hoàng, 17 tuổi liên tục mất ngủ, nhốt mình trong phòng. Nghĩ con bị bạn bè lôi kéo, mẹ bắt con trai đi khám, còn bố mời thầy cúng về để đuổi “tà ma”. Ban đầu, Hoàng phản đối, nhưng cũng không thể vượt qua áp lực gia đình, buộc phải đến viện, làm nhiều xét nghiệm kiểm tra hormone, gene, nhiễm sắc thể.
Trao đổi với bác sĩ, Hoàng thừa nhận có tình cảm với nam giới nhưng trách nhiệm “cháu đích tôn” buộc nam sinh im lặng. Sau khi bị phát hiện, cậu càng áp lực, mệt mỏi, không muốn đi học, thậm chí xấu hổ, tự ti, nghi ngờ bản thân. Thỉnh thoảng, Hoàng nghĩ đến tự sát vì không tìm được lối thoát. Không khí gia đình căng thẳng khiến mẹ Hoàng cũng bị stress, phải dùng thuốc để ngủ, không thể tập trung làm việc.
Ngày 4/10, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Ngoại Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cho biết đồng tính không phải là bệnh nên không can thiệp điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm quá mức. Bác sĩ khuyên gia đình nên bình tĩnh lắng nghe để tránh làm tổn thương con trẻ dẫn đến sự việc đau lòng.
Tương tự, Giang, 24 tuổi cảm nhận mình là một cô gái trong hình hài con trai. Giang giấu ba mẹ tiêm hormone để cơ thể làm quen với nội tiết tố nữ, sau đó tích góp tiền để chuyển giới. Thấy con có biểu hiện khác lạ, bố mẹ nổi giận, nhốt Giang trong phòng, mời thầy cúng. Tuy nhiên, Giang vẫn quyết định chuyển giới, vì không thể đồng điệu với cơ thể hiện tại, “thêm một ngày là càng thêm đau đớn, khó chịu”.
Trường Sơn, 14 tuổi cũng bị rối loạn lo âu sau khi công khai đồng tính. Gia đình đưa con khám vì nghĩ có “bất thường sinh lý”. Theo bác sĩ, hành động này của bố mẹ khiến chàng trai bị stress, căng thẳng nhiều hơn. Sau khi giải thích tình trạng của nam sinh, bác sĩ cũng khuyên anh nên thấu hiểu và cho bố mẹ thêm thời gian để đón nhận.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa đồng tính là những người có xu hướng tính dục với người đồng giới. Đồng tính và chuyển giới được WHO đưa ra khỏi chương Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi trong Danh mục các bệnh Quốc tế (ICD), lần lượt vào năm 1990 và 2019.
Bộ Y tế khẳng định đồng tính không phải là bệnh nên không thể, không cần “chữa” mà chỉ hỗ trợ về mặt tâm lý. Các cơ sở khám chữa bệnh phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết những người LGBTQIA+ (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer, Intersex, Asexual và các cộng đồng khác) phải chịu nhiều tổn thương và nguy cơ về sức khỏe tâm thần hơn so với dân số chung. Nhóm này bị phân biệt đối xử, lăng mạ và bạo hành thể xác ở gia đình, trường học, nơi làm việc nên nhạy cảm hơn. Trong đó, giai đoạn “come out” – công khai thường dễ bị gia tăng trầm cảm hơn.
Theo bác sĩ, công khai là một cuộc đấu tranh tâm lý rất vất vả của người đồng tính, đặc biệt khi đứng trước gia đình. Tại Việt Nam, những rào cản, sự kỳ thị giữa cộng đồng LGBT với xã hội vẫn nặng nề, nguy cơ trầm cảm, stress, rối loạn lo âu, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần.
Tại Việt Nam, ước tính cả nước có 300.000 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), trong đó TP HCM khoảng 75.000 người. Đa số họ là nạn nhân của phân biệt đối xử, kỳ thị và bạo lực, phải sống lo âu, trầm cảm.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với người MSM trên 16 tuổi từ tháng 2-8/2021 đến phòng khám của bệnh viện, cho thấy 14,2% mắc trầm cảm, trong đó 2,7% ở mức độ nặng. Nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện năm 2015, dựa trên khảo sát gần 2.400 người, hơn 62% cho biết bị gia đình ép thay đổi ngoại hình, cử chỉ và 60,2% bị la mắng, gây áp lực.
Nghiên cứu do Trung tâm Sáng kiến và Sức khỏe và Dân số (CCTHP) và iSEE năm 2011 thực hiện về bạo lực với đồng tính nam cũng cho hay, có 13 trong 17 trường hợp bị chính thành viên trong gia đình bạo hành. Tất cả 17 trường hợp trong nghiên cứu đều trải qua trầm cảm ở mức độ khác nhau. Một khảo sát cấp quốc gia trên 35.000 người trẻ trong cộng đồng LGBTQIA+ năm 2021 ghi nhận 42% từng cân nhắc tự sát.
Lý giải nguyên nhân, ông Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT Việt Nam, nói nhiều phụ huynh chưa được cập nhật các thông tin đúng về LGBT, mà vẫn còn xem đây là một loại “tập quán, hành vi có thể lây nhiễm, dị biệt, khác thường”. Thực tế, LGBT cũng như dị tính (heterosexual – là những người có thu hút tình cảm, tình dục với người khác giới), hợp giới (cisgender – là những người có cảm nhận giới trùng với giới tính sinh học khi mình sinh ra) đều là những xu hướng tính dục, bản dạng giới khác nhau của loài người.
“Đây là những phát triển tự nhiên, không thể định hướng hay lây nhiễm và tất nhiên cũng không thể ‘chữa trị’ như cách mà nhiều phụ huynh đang làm”, anh Thảo nói.
Ngoài ra, việc cố chấp với quan điểm có thể “bẻ thẳng” lại con mình theo nhiều nghiên cứu khoa học đều mang lại những kết quả tệ hại, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ. Những sang chấn này có thể biểu hiện ra ngoài hoặc không, nhưng sẽ ám ảnh dai dẳng đến cả cuộc đời đứa trẻ. Trầm cảm làm tăng nguy cơ tự sát, lạm dụng rượu và ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, nhiễm HIV. Riêng HIV, tỷ lệ nhiễm tăng rất nhanh, từ 2012-2020 tăng hơn 5 lần, từ 2,3% lên 13,3%, theo Bộ Y tế.
Theo anh, một đứa trẻ sinh ra không thể quyết định được bản thân là LGBT hay không. Việc các bậc phụ huynh cần tỉnh táo, tìm hiểu thông tin đúng, khoa học thay vì cứ tin vào những quan điểm đã có của bản thân hoặc lời dị nghị của ai đó xung quanh… là rất quan trọng. Ngoài ra, công khai bản thân là một hành trình dài, cần chuẩn bị kỹ thông tin cho những người xung quanh và phải lường trước những rủi ro.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://phuhunginc.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!