Thu, 39 tuổi, chần chừ nhổ răng khôn vì ngại đau, tốn tiền, kết quả bị sâu răng số 7 phải chữa tủy, bọc sứ hơn 10 triệu đồng và không thể trì hoãn việc nhổ.
Thay vì nhổ răng khôn – giải quyết phiền toái trong một lần, người phụ nữ ở quận Bình Thạnh, TP HCM, phải tới lui nhiều lần để điều trị răng sâu. Trước đó, chị vài lần đau răng, được khuyến cáo nhổ răng khôn để tránh sâu răng, nhưng không dám vì ngại đau đớn, ảnh hưởng thần kinh, sức khỏe sẽ yếu đi.
Từng phải trám răng sâu bên cạnh răng khôn mọc lệch, Hà Anh, 26 tuổi, còn gặp tình trạng vỡ mảnh trám. Sau đó, cô đi bọc răng sứ, song gặp biến chứng ê buốt răng. Cuối cùng, cô phải vào bệnh viện khắc phục hậu quả, sau quá trình “tốn kém quá nhiều thời gian, tiền bạc, lại phải chịu đau dai dẳng”.
Ths.BS.CK2 Nguyễn Thị Thảo Vân, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, cho biết răng khôn là tên gọi phổ biến cho răng hàm lớn thứ ba, hay còn gọi răng số 8. Đây là những chiếc răng mọc cuối cùng ở hai hàm, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 17 đến 25. Một người trưởng thành có thể có tối đa bốn chiếc răng khôn.
Vì răng khôn mọc sau cùng nên thường gặp phải các vấn đề như thiếu chỗ hoặc kẹt vào các răng khác, dẫn đến mọc lệch hoặc ngầm. Điều này có thể gây đau đớn, viêm nhiễm và các vấn đề khác cho nướu cũng như răng kế cận. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ nha khoa khuyên nên nhổ bỏ răng khôn để tránh biến chứng và bảo vệ sức khỏe răng miệng tổng thể.
Theo bác sĩ Vân, nếu không nhổ răng khôn khi chúng mọc lệch hoặc gây vấn đề, có thể dẫn đến biến chứng như đau nhức và viêm nhiễm. Răng khôn ở vị trí khó vệ sinh, nên dễ bị sâu, ảnh hưởng đến răng kế bên. Sâu răng không chỉ gây đau mà còn có thể lan sang các răng lân cận. Nếu tình trạng sâu lâu ngày có thể lan đến tủy răng, gây ra các triệu chứng như đau âm ỉ, dai dẳng, đau nhiều về đêm, đòi hỏi phải được thăm khám và điều trị kịp thời.
Khi mọc lệch, răng khôn có thể đẩy các răng bên cạnh, gây mòn, đau nhức và hư hại cấu trúc răng. Chúng cũng có thể gây viêm lợi hoặc viêm nha chu quanh vùng răng khôn, gây sưng, đỏ, hôi miệng. Răng khôn ngầm còn có thể dẫn đến hình thành u nang xung quanh chân răng, gây tổn thương xương hàm, nướu và thậm chí là các dây thần kinh.
“Nhiều người ngại nhổ răng khôn vì những lý do như sợ đau, sợ biến chứng, lo tác động sức khỏe tổng thể, chưa biết đến những tác hại có thể xảy ra”, bác sĩ nói.
Trên thực tế, nhổ răng khôn thường đi kèm đau và khó chịu, nhất là trong trường hợp răng mọc ngầm hoặc lệch. Lo lắng về các biến chứng sau nhổ, như viêm nhiễm, sưng nướu hoặc thậm chí là tổn thương dây thần kinh, cũng khiến nhiều người e ngại. Một số khác sợ rằng nhổ răng khôn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chung, đặc biệt nếu có các vấn đề sức khỏe khác hoặc cơ địa yếu, như trường hợp của chị Thu.
Nhổ răng khôn, đặc biệt là những răng mọc phức tạp, có thể khá tốn kém, chưa kể chi phí thuốc men và chăm sóc sau nhổ. Tùy vị trí mọc, nhổ răng khôn có thể tốn dao động 1,5 đến 4 triệu đồng. Quá trình hồi phục có thể mất từ vài ngày đến một tuần, gây đau nhức và khó khăn trong ăn uống.
Một số người cho rằng răng khôn là “tự nhiên”, không nhất thiết phải nhổ trừ khi đau nhiều, hoặc họ thiếu thông tin về tác hại của việc giữ lại răng khôn mọc lệch. Trong khi đó, với trường hợp răng khôn gây biến chứng, nhổ bỏ thường là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng lâu dài.
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Nhổ răng khôn là thủ thuật phổ biến nhưng có thể tiềm ẩn một số rủi ro, đặc biệt khi chúng mọc lệch, mọc ngầm hoặc nằm gần các dây thần kinh và mạch máu quan trọng. Tuy nhiên, khi được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm, nhổ răng khôn thường an toàn và biến chứng nghiêm trọng rất hiếm gặp.
Rủi ro có thể gặp là đau và sưng, giảm dần trong vài ngày. Chảy máu thường xảy ra trong vài giờ đầu sau khi nhổ, nếu kéo dài thì cần tái khám kiểm tra.
Nếu không vệ sinh đúng cách, viêm nhiễm có thể xảy ra sau nhổ răng, đặc biệt là với những răng khôn mọc ngầm. Bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh để ngăn ngừa.
Với răng khôn hàm dưới, có nguy cơ ảnh hưởng đến dây thần kinh răng dưới, gây cảm giác tê hoặc mất cảm giác tạm thời ở môi, lưỡi, và cằm. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm và thường tự hồi phục. Nếu răng khôn hàm trên nằm gần xoang hàm, có thể gây rò xoang và nhiễm trùng, song cũng hiếm gặp.
Bệnh nhân cũng có thể gặp biến chứng khô ổ răng, xảy ra khi cục máu đông ở ổ răng bị bong ra sớm, gây đau nhức, phải điều trị bằng cách rửa sạch và đặt thuốc giảm đau tại chỗ.
“Dù có một số rủi ro, nhổ răng khôn thường mang lại lợi ích lớn về sức khỏe răng miệng khi răng khôn gây biến chứng”, bác sĩ phân tích. Để giảm nguy cơ, nên thực hiện tại các phòng khám uy tín và tuân thủ hướng dẫn chăm sóc.
Sau khi nhổ răng khôn, cần cắn chặt bông gạc ở vị trí nhổ răng trong khoảng 30-45 phút để cầm máu. Nếu máu vẫn chảy, thay bông mới và cắn chặt thêm một lúc. Trong 24 giờ đầu, không súc miệng mạnh hoặc nhổ bọt để tránh làm rơi cục máu đông, dễ gây khô ổ răng, khiến đau kéo dài.
Trong 1-2 ngày đầu, chườm đá lạnh bên ngoài vùng má khoảng 15-20 phút/lần để giảm sưng. Sau đó, chuyển sang chườm ấm nếu cần. Trong những ngày đầu, chỉ ăn thức ăn mềm, nguội, ấm, tránh thực phẩm cay, nóng và thức ăn cứng.
Tránh hút thuốc và uống rượu bia, bởi nicotine có thể làm chậm quá trình lành thương, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Không dùng ống hút vì hành động này có thể gây áp lực làm bật cục máu đông trong ổ răng, dẫn đến biến chứng khô ổ răng.
Bác sĩ thường kê thuốc giảm đau và kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng, cần uống thuốc đúng liều lượng, đủ liệu trình. Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng, tránh chải răng sát vết nhổ trong ngày đầu tiên. Sau đó, có thể chải răng nhẹ nhàng và súc miệng bằng nước muối loãng sau 24 giờ để giữ vùng nhổ sạch.
Theo dõi các dấu hiệu bất thường, nếu có triệu chứng như chảy máu nhiều, đau nhức không giảm sau 2-3 ngày, sốt cao, hoặc có mùi hôi từ miệng, cần quay lại phòng khám để kiểm tra.
Lê Phương
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://phuhunginc.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!